Tin Tức FTA VIỆT NAM -EU CÓ THỂ HOÀN TẤT NĂM 2018

Đây là thông tin từ hội thảo về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được Hiệp hội Giới chủ Pháp (Medef) và Trung tâm châu Á (Asia Centre) tổ chức tại Paris (Pháp) từ 1/12.

Theo TTXVN, tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết sau khi nhất trí kết thúc đàm phán EVFTA vào cuối năm 2015, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành quá trình hoàn thiện về ngôn ngữ và luật pháp cho thỏa thuận, sau đó đệ trình lên các cấp cao hơn vào đầu năm tới để chuẩn bị cho tiến trình ký kết chính thức và phê chuẩn. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch áp dụng hiệp định và dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Thương mại của Ủy ban châu Âu Raffaele Mauro Petriccione bày tỏ EVFTA sẽ được ký và có thể được thông qua từ nay đến cuối năm 2018.

Tuy vậy, Trưởng đoàn đàm phán EVFTA của EU cũng lưu ý quá trình thông qua có thể kéo dài do EU là một khối thương mại với nhiều thành viên.

Theo ông Petriccione, đối với EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 trong ASEAN, chỉ xếp sau Malaysia và Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 ước tính khoảng 41 tỷ euro.

Việt Nam và EU là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau rất cao và đó là một điểm quan trọng. Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng điện tử, may mặc, giày dép, gạo, hải sản, cà phê, … còn mặt hàng chính từ EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao, máy công nghiệp, dược phẩm.

Trưởng đoàn đàm phán EVFTA cũng đánh giá cao các cơ hội mà Hiệp định mang lại cho các doanh nghiệp châu Âu, như tỷ lệ tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam, cơ hội mở cửa thị trường tài chính, cải tổ khối doanh nghiệp nhà nước và thị trường mua sắm công của Việt Nam sau hiệp định, đặc biệt là vai trò và vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Cùng với sức hấp dẫn của thị trường lớn, phía EU đặt ra những yêu cầu rất cao đối với Việt Nam. Đó là việc phía EU đòi hỏi Việt Nam sử dụng các chuẩn mực quốc tế, nhất là các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước. Việt Nam cũng đã có chính sách tương tự, song thực tế vẫn còn khoảng cách giữa mong muốn và thực tiễn. Do đó, việc đáp ứng được yêu cầu này của EU có thể sẽ mang lại tác dụng tích cực đối với cải cách kinh tế của Việt Nam.